TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG NÔNG SẢN NHÀ QUÊ

Các sản phẩm thực phẩm tươi sống lưu hành trong hệ thống Nông Sản Nhà Quê đáp ứng 1 trong 4 tiêu chuẩn sau:

1. An toàn (AT):

- Trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản (sau đây gọi là sản xuất nông nghiệp) có sử dụng các chất hóa học trong quy trình sản xuất, nằm trong danh mục cho phép của Bộ Nông nghiệp (và/hoặc của cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu – đối với hàng nhập khẩu), đồng thời đảm bảo dư lượng (nếu có) không vượt ngưỡng gây mất an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế hoặc theo tiêu chuẩn quốc tế (*) nếu Việt Nam chưa quy định. Bao gồm cả trường hợp có hoặc không có chứng nhận GAP (như VietGAP, GlobalGAP, localgap,...).

- Hàm lượng các chất ô nhiễm gồm kim loại nặng, các chất độc hại khác: theo quy định của Việt Nam.

2. Không hóa chất (KHC):

- Đối với cây trồng: trừ các chất được phép sử dụng theo các tiêu chuẩn hữu cơ đã được công nhận, thì trong quá trình canh tác không được sử dụng phân bón hóa học và các chất tổng hợp như thuốc trừ sâu, trừ nấm bệnh, kích thích sinh trưởng, trừ cỏ,....Không sử dụng các chất không tổng hợp bị cấm theo các tiêu chuẩn hữu cơ như tro từ việc đốt phân, thạch tín, Calcium chloride (CaCl2), muối chì, Rotenone, Sodium fluoaluminate (Na3AlF6) khai thác, Strychnine,….Không sử dụng chất bảo quản hóa học sau thu hoạch. Đối với các chế phẩm vi sinh, hoá sinh thương mại thì phải có chứng nhận “được phép sử dụng trong nông nghiệp hữu cơ" của cơ quan có thẩm quyền.

- Đối với vật nuôi, tối thiểu phải đáp ứng 2 tiêu chí dưới đây trong quá trình chăn nuôi:

  • Kiểm soát các sản phẩm thuốc thú y gây dị ứng tổng hợp hóa học, bao gồm cả thuốc kháng sinh: theo một trong các tiêu chuẩn hữu cơ đã được công nhận (ví dụ TCVN, EU, USDA, JAS, Canada,....).
  • Thức ăn: tối thiểu 80% thức ăn tính theo trọng lượng thô trong khẩu phần ăn của vật nuôi kể từ sau giai đoạn tăng trưởng thứ nhất (ví dụ đối với heo sau 35kg, gà sau 2 tháng từ lúc nở,...) phải đạt tiêu chuẩn Không hóa chất hoặc Hữu cơ hoặc Chuyển đổi Không hóa chất.

- Các sản phẩm tự nhiên/thiên nhiên/quảng canh/sinh thái: không có hoặc rất ít tác động vào quá trình sinh trưởng từ con người (bao gồm thức ăn công nghiệp, thuốc hay các chế phẩm công nghiệp khác,…), gồm các loại như: rau rừng, quả rừng, cá biển đánh bắt (đánh bắt và lưu trữ không sử dụng chất bảo quản hóa học, chỉ sử dụng tác nhân vật lý như bảo quản bằng nhiệt độ lạnh), cá nước ngọt đánh bắt ở sông/hồ, cá tôm quảng canh (chỉ thả giống trong rừng ngập mặn và chờ ngày thu hoạch),... Trong trường hợp này, nếu tên sản phẩm có bao gồm Tiêu chuẩn Chất lượng (TCCL) thì có thể sử dụng “KHC” hoặc “Sinh thái” hoặc “Thiên nhiên” hoặc “Tự nhiên” sao cho phù hợp bản chất sản phẩm.

- Các sản phẩm đã có chứng nhận hữu cơ nhưng hết hạn, vẫn tiếp tục sản xuất theo quy trình hữu cơ nhưng không tái chứng nhận sẽ được đánh giá theo tiêu chuẩn Không hóa chất.

- Hàm lượng các chất ô nhiễm gồm kim loại nặng, các chất độc hại khác: theo quy định của Việt Nam

- Dư lượng các chất hóa học (BVTV, kháng sinh, chất bảo quản,...): không có

3. Chuyển đổi KHC (CĐ KHC)

- Đối với cây trồng: tất cả các tiêu chí đánh giá giống tiêu chuẩn KHC, ngoại trừ:

  • Dư lượng BVTV: chấp nhận “phát hiện vết” (<giới hạn định lượng). Tuy nhiên, tối đa 3 năm kể từ lúc chuyển đổi, tiêu chí này bắt buộc phải đạt theo chuẩn KHC.

- Đối với vật nuôi: tất cả các tiêu chí đánh giá giống tiêu chuẩn KHC, ngoại trừ

  • Đối với thức ăn: đảm bảo tỷ lệ sử dụng nguồn nguyên liệu Không hóa chất cao nhất có thể trong điều kiện sản xuất của trang trại. Tối thiểu phải đảm bảo 20% thức ăn tính theo trọng lượng thô trong khẩu phần ăn của vật nuôi kể từ sau giai đoạn tăng trưởng thứ nhất phải đạt chuẩn KHC/HC/CĐ KHC. Tỷ lệ thức ăn đạt chuẩn KHC/HC/CĐ KHC trong khẩu phần ăn phải tăng thêm mỗi năm tối thiểu 15-20% hoặc đảm bảo trong tổng thời gian tối đa 5 năm kể từ thời điểm chuyển đổi, nguồn thức ăn phải đạt theo quy định của tiêu chuẩn KHC.

4. Hữu cơ (HC):

- Sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn hữu cơ, đã có chứng nhận của các tổ chức có thẩm quyền cấp và còn hiệu lực.

- Chứng nhận hữu cơ hết hạn, đang thực hiện tái chứng nhận và có thời hạn cấp mới.

- Hàm lượng các chất ô nhiễm gồm kim loại nặng, các chất độc hại khác: theo quy định của Việt Nam.

- Dư lượng các chất hóa học (BVTV, kháng sinh, chất bảo quản,...): không có

5. Quy định chung:

- Tên gọi sản phẩm và thông tin trên bao bì nếu bao gồm TCCL thì phải ghi chính xác, không được gây hiểu thầm về TCCL của sản phẩm.

- Thông tin của sản phẩm trong hệ thống dữ liệu Nhà Quê và thông tin truyền thông trong và ngoài công ty phải được cập nhật theo tiêu chuẩn mới nhất của sản phẩm đó.

----------------------------------------------------------------------------

* Tiêu chuẩn quốc tế được hiểu là lấy theo thứ tự ưu tiên như dưới đây:

(1) Quy định của Ủy ban Codex Alimentarius (FAO/WHO).

(2) Quy định của nước/khu vực có quy định dư lượng cho phép cao nhất trong nhóm nước/khu vực có quy định mà dư lượng cho phép thấp hơn so với mức ADI (lượng tiêu thụ hàng ngày chấp nhận được) của một người có trọng lượng cơ thể 55kg (trọng lượng trung bình của người Việt Nam có chỉ số BMI bình thường) hoặc của nước xuất khẩu (nếu thực phẩm là sản phẩm nhập khẩu).

(3) Dựa theo “mức sàn MRL” (**) của các nước/khu vực, sau đó xem xét theo theo mục (2).

(4) Dựa theo các nghiên cứu khoa học liên quan để đối chứng. Được xem xét trên từng trường hợp cụ thể.

** Trong trường hợp không có đủ dữ liệu để thiết lập MRL của hoạt chất X cho sản phẩm Y thì quốc gia đó sẽ áp dụng “Mức sàn MRL” để đánh giá sản phẩm có an toàn cho người dùng hay không. Ví dụ Châu Âu và Nhật lấy mức sàn cho nhóm BVTV là 0,01ppm, Newzealand và Canada lấy mức sàn là 0,1ppm. Việt Nam không có quy định về mức sàn.

 

0